Nội dung bài viết
Ngũ hành là gì?
Theo quan niệm của người phương Đông, ngũ hành tác động đến vạn vật trên trái đất. Ngũ hành có 5 yếu tố cơ bản là: Kim, Thủy, Mộc, Hỏa, Thổ. Các yếu tố này đều có sự tác động qua lại lẫn nhau và có những tính chất riêng.
- Hành Kim tượng trưng cho kim loại, tính rắn, sự va chạm
- Hành Thủy tượng trưng cho nước, tính lỏng, sự uyển chuyển
- Hành Mộc tượng trưng cho cây cối, tính phát triển, sự sinh sôi nảy nở
- Hành Hoả tượng trưng cho lửa, tính nóng, sự khởi đầu
- Hành Thổ tượng trưng cho đất, tính ổn định, tính chất nền tảng
Đặc tính của ngũ hành
Ngũ hành có 3 đặc tính cơ bản đó là: lưu hành, luân chuyển, biến đổi không ngừng.
- Lưu hành: có nghĩa là 5 vật chất lưu hành tự nhiên trong không gian và thời gian. Ví như nước khi lưu hành nó sẽ cuốn đi tất cả mọi thứ nó lướt qua.
- Luân chuyển: nghĩa 5 vật chất luân chuyển tự nhiên. Ví dụ hành mộc là cây sẽ phát triển từ mầm rồi lớn dần theo thời gian.
- Biến đổi không ngừng: có nghĩa là 5 vật chất sẽ biến đổi ví dụ như kim loại trong lòng đất được khai thác để chế tác thành các vật dụng trong cuộc sống hay mộc phát triển dần và sẽ thu được gỗ để làm nhà hay các vật dụng nội thất bằng gỗ.
Các quy luật của ngũ hành
Trong ngũ hành có hai quy luật lớn được ứng dụng nhiều là quy luật tương sinh và quy luật tương khắc. Hai yếu tố này không tách rời mà luôn có sự gắn kết với nhau, trong tương sinh luôn có mầm mống của tương khắc, ngược lại trong tương khắc luôn tồn tại tương sinh. Đây cũng chính là nguyên lý cơ bản nhất để duy trì sự sống của vạn vật.
Quy luật tương sinh của ngũ hành
Quy luật tương sinh có thể được áp dụng để giải thích hiện tượng tự nhiên và sự chuyển đổi giữa các ngũ hành như sau
- Mộc sinh Hỏa: mối quan hệ giữa Mộc và Hỏa được thể hiện qua việc cây khô (Mộc) có khả năng tạo ra ngọn lửa mạnh mẽ khi cháy. Mộc đóng vai trò là nguyên liệu chính và thiết yếu nhất để tạo nên yếu tố Hỏa.
- Hỏa sinh Thổ: yếu tố Hỏa, tức là lửa, có khả năng thiêu đốt mọi thứ xung quanh. Quá trình này dẫn đến việc Hỏa tạo ra yếu tố Thổ, bởi vì sau khi các vật thể bị đốt cháy, chúng biến thành tro và tro này sau một thời gian dài sẽ trở thành đất, thuộc yếu tố Thổ. Hoặc như hiện tượng núi lửa phun trào, sau một thời gian, dung nham nguội dần tạo thành vật chất có tính Thổ.
- Thổ sinh Kim: Thổ thường đại diện cho các nguồn tài nguyên tự nhiên như đất cát, đồi núi, nơi mà các tài nguyên được tích tụ và hình thành. Kim, ở đây, đại diện cho các loại quặng và khoáng sản hình thành bên trong đất. Quá trình hình thành các quặng và khoáng sản này đưa đến sự tương sinh từ Thổ sang Kim.
- Kim sinh Thủy: kim loại, có tính hàn, nên khi để ngoài điều kiện phòng sẽ tạo hiện tượng ngưng tụ hơi nước, tạo thành chất lỏng bám trên bề mặt. Có ý kiến cho rằng do kim loại có thể nóng chảy thành dạng chất lỏng nên gọi là Kim sinh Thủy, cách giải thích này thiếu thuyết phục và kiêng cưỡng, bởi “thủy” này mà là kim loại lỏng thì không thể giúp Thủy sinh Mộc được.
- Thủy sinh Mộc: Thủy ở đây đại diện cho nước, một yếu tố quan trọng đối với sự sinh sôi và phát triển của cây cối. Cây cối trong ngữ cảnh này, đại diện cho yếu tố Mộc. Sự tương sinh giữa Thủy và Mộc thể hiện trong việc nước cung cấp độ ẩm và nguồn năng lượng cho cây cối để chúng phát triển mạnh mẽ.
Quy luật tương khắc của ngũ hành
Ngũ hành tương khắc lại trái ngược hoàn toàn với tương sinh, nó là mối quan hệ khắc chế, cản trở lẫn nhau của các yếu tố. Quá trình tương khắc này cũng tuần hoàn không ngừng. Các mối quan hệ tương khắc giữa các hành gồm có:
- Thủy khắc Hỏa: Nước sẽ dập tắt lửa
- Hỏa khắc Kim: Lửa mạnh sẽ nung chảy kim loại
- Kim khắc Mộc: Kim loại được rèn thành dao, kéo để chặt đổ cây cối.
- Mộc khắc Thổ: Cây hút hết chất dinh dưỡng khiến đất trở nên khô cằn.
- Thổ khắc Thủy: Đất hút nước, có thể ngăn chặn được dòng chảy của nước.
Ngũ hành và những mối quan hệ thái quá và khống chế nhau.
Ngũ hành không những có sinh, có khắc, bổ trợ cho nhau mà còn khống chế lẫn nhau. Ngoài ra còn có mặt thái quá và mặt bất cập.
Đối với ngũ hành kim
- Kim: Kim vượng gặp hoả sẽ trở thành vũ khí có ích
- Kim có thể sinh thuỷ, nhưng thuỷ nhiều thì kim chìm, kim tuy cứng nhưng có thể bị thuỷ dũa cùn
- Kim có thể khắc mộc, nhưng mộc cứng thì kim bị mẻ, mộc yếu gặp kim tất sẽ bị chặt đứt
- Kim nhờ thổ sinh, nhưng thổ nhiều thì kim bị vùi lấp, thổ có thể sinh kim nhưng kim nhiều thì thổ biến thành ít
Đối với ngũ hành Thuỷ
- Thuỷ vượng gặp thổ sẽ thành ao hồ
- Thuỷ có thể sinh mộc, nhưng mộc nhiều thì thuỷ co lại, thuỷ mạnh khi gặp mộc thì khí thế của thuỷ yếu đi.
- Thuỷ có thể khắc hoả nhưng hoả nhiều thì thuỷ khô, hoả nhược gặp thuỷ tất bị dập tắt
- Thuỷ nhờ kim sinh, nhưng kim nhiều thì thuỷ đục, kim có thể sinh thuỷ nhưng khi thuỷ nhiều thì kim lại bị chìm xuống.
Đối với ngũ hành mộc
- Mộc vượng gặp kim sẽ trở thành rường cột.
- Mộc sinh hoả, nhưng hoả nhiều thì mộc bị đốt, mộc mạnh gặp hoả thì mộc trở thành yếu
- Mộc khắc thổ, nhưng thổ nhiều thì mộc lại bị lấn át, thổ yếu gặp mộc thì sẽ trở thành khô cằn nứt nẻ.
- Mộc nhờ thuỷ sinh, nhưng thuỷ nhiều thì mộc bị dạt trôi ; thuỷ có thể sinh mộc ; nhưng mộc nhiều thì thủy bị co lại.
Đối với ngũ hành hoả
- Hoả vượng gặp thuỷ thì trở thành ứng cứu cho nhau.
- Hoả có thể sinh thổ, nhưng thổ nhiều thì hoả ám, hoả mạnh gặp thổ sẽ bị dập tắt.
- Hoả có thể khắc kim, nhưng kim nhiều thì hoả tắt, kim yếu gặp hoả tất sẽ nóng chảy.
- Hoả nhờ mộc sinh, mộc nhiều thì ngọn lửa mạnh, tuy mộc có thể sinh hoả nhưng hoả nhiều thì mộc bị đốt cháy.
Đối với ngũ hành thổ
- Thổ: thổ vượng gặp mộc thì việc hanh thông.
- Thổ có thể sinh kim nhưng kim nhiều thì thổ trở thành ít; thổ mạnh gặp kim thì sẽ khống chế được thổ ùn thành đống.
- Thổ có thể khắc thuỷ nhưng thủy nhiều thì thổ bị trôi ; thuỷ nhược mà gặp thổ tất sẽ bị chắn lại.
- Thổ nhờ hỏa sinh, nhưng hỏa nhiều thì thổ bị đốt cháy; hỏa có thể sinh thổ, nhưng nếu thổ nhiều thì hỏa bị tàn lụi.